Ngày 18/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Báo Văn Hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo ‘Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh’. Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS) tham gia đồng hành cùng chương trình.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo là cơ hội quý báu để các doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và văn hóa gặp gỡ, thảo luận, đồng thời từ đó đưa kiến nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế về kinh tế – xã hội, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp; cùng với đó là tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế tới từng doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, trừng phạt những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận, làm ăn phi pháp, phi văn hóa gây tổn hại tới các doanh nghiệp.
Bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng biên tập Báo Văn hóa phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Tổng biên tập Báo Văn hóa Chu Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh luôn là một vấn đề thời sự, một câu chuyện nóng bỏng. Cũng chưa bao giờ vấn đề văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh lại được các doanh nghiệp, doanh nhân chú trọng như bây giờ bởi đó chính là chìa khóa mang lại thành công cho doanh nghiệp.
Đảng, Nhà nước ta luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa quốc gia. Đội ngũ doanh nhân luôn đóng vai trò nòng cốt, xung kích trên lĩnh vực kinh tế, góp phần quan trọng trong phát triển tiềm lực kinh tế quốc gia, nâng cao chỉ số cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam”.
Tổng biên tập Báo Văn hóa Chu Thị Thu Hằng cho rằng: Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế thị trường chính là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của mỗi doanh nghiệp trên thị trường. Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước cũng đã nêu rõ: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế”.
Tổng biên tập Báo Văn hóa Chu Thị Thu Hằng chia sẻ: Nhiều bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp đã khẳng định, nếu thiếu sự quan tâm cần thiết đối với việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức kinh doanh thì thiệt thòi là chính các doanh nghiệp. Đã có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp, vì đồng tiền mà đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng. Nhiều doanh nghiệp từng là thương hiệu đình đám trên thị trường bỗng chốc bị đổ bể… Những bài học đau xót đó một lẫn nữa cho thấy vấn đề văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh đã không thể chỉ là khẩu hiệu của mỗi doanh nghiệp mà ngược lại, văn hóa và đạo đức kinh doanh phải luôn luôn được các doanh nghiệp, doanh nhân xem như một triết lý sống còn cho sự tồn tại và phát triển của mình.
Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại hội thảo
Điều phối chương trình, Nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra một tiêu đề bằng câu phát biểu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” để qua đó gợi ý cho các đại biểu tham gia Hội thảo cùng nhau trao đổi, thảo luận về văn hóa và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh hiện nay.
Với câu hỏi “Liệu văn hóa có trở thành yếu tố như bó đuốc soi đường cho giới kinh doanh chúng ta hay không”, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, dù ở quá khứ hay hiện tại và cả tương lai, đều rất cần thiết phải xây dựng, gìn giữ và củng cố văn hóa, đạo đức kinh doanh.
Tọa đàm với chủ đề “Làm sao để Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là khẩu hiệu”
Hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia uy tín, nhiều doanh nhân thành đạt, các diễn giả đã cùng nhau trao đổi thẳng thắn, đưa ra những góc nhìn đa chiều về vấn đề văn hóa doanh nghiệp, đạo đức và triết lý kinh doanh của doanh nghiệp; đề ra những giải pháp thiết thực đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước có giá trị thực tiễn cao như: Xây dựng văn hóa tại các doanh nghiệp Thụy Điển và những tác động đến phát triển doanh nghiệp; những bất cập của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập – nguyên nhân & giải pháp; cải thiện môi trường nội bộ, gia tăng tinh thần trách nhiệm và lợi ích người lao động, giảm biến động đội ngũ và tăng năng suất lao động; đánh bóng Thương hiệu một cách chuyên nghiệp và thực chất Tuân thủ & ứng xử đàng hoàng với pháp luật; đạo đức Kinh doanh củng cố và gia tăng uy tín cho thương hiệu doanh nghiệp.
PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị
Đề cập tới việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Doanh nghiệp cho rằng, các cuộc cách mạng khoa học, cách mạng công nghiệp nào cũng cho nhân loại cả cơ hội phát triển lẫn thách thức, song thực tiễn lịch sử cho thấy phần cơ hội, khả năng phát triển nhiều hơn. Và sự thành công cùng phát triển còn phụ thuộc chủ yếu vào tầm nhìn và quyết tâm thực hiện đổi mới, sáng tạo của các chủ thể, trung tâm là các doanh nghiệp và người dân.
Theo PGS.TS Đỗ Minh Cương, việc xây dựng và quản trị văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam trong tương lai cũng phải được kiến tạo, chuẩn hóa theo các nguyên tắc gồm: Tăng cường giao tiếp, tương tác; minh bạch thông tin; công nghệ hỗ trợ; phân quyền ra quyết định. Đặc biệt là phải chú ý tới quan điểm, thái độ và cách tiếp cận về sự đầu tư, phát triển công nghiệp và nền kinh tế 4.0.
Muốn hệ thống doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam phát huy được lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững thì cần có trước những con người và định dạng văn hóa tổ chức phù hợp với thời kỳ 4.0.
PGS.TS Đỗ Minh Cương cho rằng, cần nhận thức rõ quản trị văn hóa doanh nghiệp là một phương pháp quản trị doanh nhiệp cơ bản, là nền tảng cho sự đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ mới; nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của lãnh đạo trong quản trị văn hóa doanh nghiệp; chú trọng công tác quản trị chiến lược, quản trị sự thay đổi theo các nguyên tắc của Cách mạng 4.0 vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và đất nước.
Ông Johan Alvin, Bí thư thứ 2 – Trưởng Ban thương mại Đại sứ quán Thủy Điển chia sẻ tại hội nghị
Chia sẻ kinh nghiệm của Thụy Điển trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh, ông Johan Alvin, Bí thư thứ 2 – Trưởng Ban thương mại Đại sứ quán Thủy Điển cho rằng: “Yếu tố giúp chúng tôi thành công trong văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh là không câu nệ hình thức trong môi trường doanh nghiệp và trong tổ chức, chúng tôi muốn tạo ra môi trường không có danh giới giữa mọi cá nhân.
Bên cạnh đó, khi đưa ra những quyết định giải quyết khó khăn, chúng tôi đều khuyến khích toàn bộ nhân viên, đối tác, đồng nghiệp tham gia vào quá trình đưa ra sáng kiến. Ngoài ra, chúng tôi luôn cố gắng tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống giữa mỗi cá nhân trong doanh nghiệp, môi trường thoải mái giúp chúng tôi có tư duy tốt, đưa ra những sáng tạo hiệu quả để phát triển công ty”.
Còn ông Lê Minh Tuấn, nhà huấn luyện Actioncoach tại Việt Nam, Giám đốc Công ty Teamup thì đưa ra thông điệp: Tuân thủ đạo đức kinh doanh cũng chính là tuân thủ giá trị văn hóa doanh nghiệp mà bạn đang theo đuổi. Đồng thời, cần tập trung xây dựng nên giá trị văn hóa cho doanh nghiệp của chính mình, tuân thủ theo những giá trị đạo đức chuẩn mực và doanh nghiệp tự khắc sẽ phát triển bền vững.
Nguyễn Hoan