BÁN HÀNG ĐA KÊNH, “TỎ” NHƯNG CHƯA CHẮC ĐÃ “TƯỜNG”
Cụm từ “bán hàng đa kênh – omni channel” có lẽ không còn xa lạ với các đơn vị kinh doanh trong thời gian gần đây. Nhưng “đa kênh” là gì, “bán hàng đa kênh” đem lại cho doanh nghiệp những lợi ích như thế nào thì không phải ai cũng hiểu rõ.
Một lẽ dĩ nhiên là Omni channel đem đến hiệu quả vượt trội so với những hình thức bán hàng truyền thống như Single channel hay Multi channel. Và do đó mô hình này đã trở thành một xu hướng bán hàng thịnh hành được các doanh nghiệp lựa chọn trong thời gian gần đây.
Trước hết cần làm rõ rằng về mặt ngữ nghĩa thì Omni channel hay Multi channel cũng đều được hiểu là bán hàng đa kênh. Tuy nhiên nếu như trong mô hình Multi channel, mỗi kênh bán hàng sẽ có một kho hàng và hệ thống quản lý với những quy trình riêng biệt, dễ dẫn đến sự rối loạn trong việc quản lý và theo dõi của chủ doanh nghiệp, thì Omni channel lại dễ dàng giải quyết những bất cập ấy với việc đồng bộ các kênh trên một hệ thống duy nhất.
Omni channel là mô hình lấy khách hàng làm trung tâm trong việc tiếp cận thông qua các kênh bán hàng, tối đa hóa việc bán hàng từ kênh offline đến kênh online mà chỉ cần quản lý trên một hệ thống duy nhất. Điều này tỏ rõ là một ưu thế vượt trội của mô hình khi mang nhiều lợi ích mà các doanh nghiệp luôn luôn mong muốn.
- Giảm chi phi:
Đối với một chủ thể kinh doanh, tối thiếu hóa chi phí luôn là một vấn đề đau đầu để giải quyết. Việc vận hành nhiều kênh bán hàng mà không có sự nhất quán trong vấn đề quản lý kho hàng, quản lý khách hàng hay quản lý sản phẩm không chỉ đem lại nhiều rắc rối mà còn khiến cho doanh nghiệp “đốt” kha khá tiền của vào vấn đề nhân lực. Vấn đề này cũng đặt doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn trong công tác hạch toán. Bởi không thống nhất trong việc quản lý các kênh sẽ dễ dàng dẫn tới báo cáo và số liệu lộn xộn, không thống nhất và khả năng sai xót cực cao.
Thêm vào đó, như trong mô hình bán hàng cũ, mỗi kênh bán hàng sẽ phải đầu tư một phần mềm quản lý riêng biệt với những phương thức quản lý không thống nhất. Điều này rõ ràng là một bất cập lớn và cũng chính là lỗ hổng lớn trong vấn đề chi phí của doanh nghiệp.
Thật may là Omni channel tỏ ra khá tối ưu trong việc giải quyết vấn đề này. Quản lý đa kênh bằng mô hình này sẽ đưa tới bạn một cái nhìn toàn cảnh về hàng tồn kho, lượng khách hàng, các số liệu liên quan đến luân chuyển dòng tiền…của tất cả các kênh bán hàng bạn tham gia. Mọi số liệu kinh doanh, về vấn đề thu chi cũng sẽ được giảm thiểu sai xót ở mức thấp nhất, việc hạch toán và lập các báo cáo tài chính liên quan sẽ trở nên nhanh gọn và dễ dàng. Số tiền chi cho phần mềm quản lý cũng giảm đi một khoản lớn vì bây giờ bạn chỉ cần xây dựng một phần mềm duy nhất để quản lý tập trung tất cả các kênh thay vì mỗi kênh một phần mềm quản lý như trước kia.
- Tăng doanh thu:
Tăng thu, giảm chi là điều mà doanh nghiệp nào cũng muốn đạt được. Và tất nhiên thì nguồn thu chính của một doanh nghiệp chính là từ những khách hàng, người sẽ quyết định có tiêu dùng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp hay không. Để có thể thu hút và khiến khách hàng “móc ví” giữa một rừng những brand cùng lĩnh vực, thì ngoài việc sản phẩm của doanh nghiệp phải thực sự có chất lượng thì cách doanh nghiệp quan tâm, chăm sóc tới họ cũng là một cách ghi điểm.
Bán hàng đa kênh bằng mô hình Omni channel sẽ mang đến cho khách hàng những trải nghiệm nhất quán trong tất cả các kênh, doanh nghiệp có thể đưa ra những phân tích chính xác về nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, từ đó sẽ đưa ra các chiến lược kinh doanh và chương trình marketing hiệu quả, không chỉ tại một điểm bán hàng mà là tất cả các kênh mà doanh nghiệp tham gia. Những điều này vô cùng quan trọng, quyết định sản lượng bán hàng của doanh nghiệp, và khả năng doanh thu có tăng hay không. Một doanh nghiệp không thể nắm bắt chính xác những gì khách hàng của họ mong muốn, không thể đưa ra được những chương trình khuyến mãi hay những chính sách hậu mãi đúng thời điểm sẽ dẫn tới sự thất bại trong việc chiếm lĩnh thị phần và tăng doanh thu bán hàng của họ.
- Đơn giản:
Con người ngày càng lười, đó là một điều không thể phủ nhận. Họ có xu hướng sử dụng những thứ giản đơn và ít thao tác, ít rườm rà nhất có thể nhưng vẫn phải thực hiện được tất cả các công việc bạn mong muốn. Và đó cũng chính là một trong các lý do mà Omni channel được ưa chuộng trong thời đại ngày nay.
Quản lý bán hàng đa kênh bằng mô hình Omni channel, tức là bạn sẽ chỉ cần sử dụng một hệ thống quản trị duy nhất, một địa chỉ ID duy nhất. Sẽ không còn xảy ra tình trạng thiếu sự thống nhất trong quản lý, sự “xung đột” khi chạy các chương trình khuyến mãi hay các cập nhật mới giữa các kênh. Mọi thao tác chỉ cần thực hiện một lần, tất cả các kênh sẽ được đồng bộ để update các thay đổi ấy.
Như vậy thì, với Omni channel, thời gian, công sức, hay tiền bạc đều được tiết kiệm một cách tối đa. Những vấn đề luôn tồn tại ở doanh nghiệp như cắt giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận sẽ phần nào được gỡ bỏ. Mô hình này xứng đáng là sự phát triển tối ưu nhất trong các mô hình bán hàng hiện đại.