- Lượt xem: 2428

Để tìm vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) không phải là một câu chuyện dễ dàng. Và duy trì nhà đầu tư tham gia đồng hành với tư cách là người cố vấn, truyền kinh nghiệm để cùng đạt được mục tiêu mà hai bên hướng tới càng khó khăn hơn. Vậy phải làm gì để tạo dựng và giữ được quan hệ lâu dài, bền vững giữa nhà đầu tư với các doanh nghiệp startup?

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam từng nhận những thông tin dữ, như website Lingo.vn đột nhiên ngừng hoạt động hoặc “cái chết bất ngờ của Deca”. Trước đó, việc nhiều trang thương mại điện tử khác “ra đi” không kèn không trống do kinh doanh hiệu quả kém không còn xa lạ trên thị trường. Thị trường TMĐT nhiều phen sóng gió. 

Hay như câu chuyện của The Kafe Group – một startup kinh doanh ẩm thực phong cách lai Âu – Á cũng vướng vào rắc rối với nhà đầu tư khi bị tố chiếm dụng vốn kinh doanh. Sau vụ việc, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành The Kafe Group Đào Chi Anh đã rời vị trí CEO. Trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Kafe Group đã đổi thông tin về vốn điều lệ và trở thành công ty 100% vốn nước ngoài.

Ảnh: Nguồn Internet

Đó là một vài thí dụ gây xôn xao làng startup Việt thời gian qua. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trẻ starup đang tìm kiếm nguồn đầu tư.

Nhiều chuyên gia phân tích lý do dẫn đến “mâu thuẫn” gây ra tình trạng “dứt áo ra đi” giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp startup: Đa số các startup sẽ dễ dàng chấp nhận khi thương thảo với nhà đầu tư để được nhận nguồn vốn. Mang tâm lý ngại bàn bạc thẳng thắn vì lo sợ nhà đầu tư mất lòng, không muốn đầu tư hoặc cứu lấy vốn rồi tính tiếp, các startup thường dễ dàng đồng ý những yêu cầu do nhà đầu tư đưa ra.

“Chính việc thiếu rõ ràng ngay từ đầu, thiếu bàn bạc chi tiết sẽ đưa startup vào thế bị động và gặp rủi ro rất cao khi nhà đầu tư dứt áo ra đi”.

Ông Phạm Đức Bình – CEO Công ty cổ phần BNC Việt Nam – chia sẻ, khi được một nhà đầu tư gõ cửa tức là người ta chọn mình, nhưng là một doanh nghiệp trẻ cũng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Đối với startup trẻ, mong muốn lớn nhất chính là sẽ có quỹ đầu tư, tuy nhiên cộng đồng startup Việt Nam tương đối vừa yếu vừa thiếu, về cơ bản mức độ quan tâm pháp lý không cao. Vì thế khi các đơn vị quyết định đổ vốn đầu tư, phần lớn startup sẽ chiều theo các yêu cầu của các nhà đầu tư 100% và đó là sai lầm khởi đầu trong tư duy của các doanh nghiệp.

Ông Phạm Đức Bình – CEO BNC Group

Từ những chia sẻ trên có thể thấy, để tránh bị thiệt thòi, ngay từ đầu các startup phải ràng buộc các nhà đầu tư bằng văn bản pháp lý với các điều khoản thỏa thuận hết sức rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên ở từng giai đoạn. Không chỉ ở thời điểm tiếp nhận vốn mà trong suốt quá trình tăng trưởng công ty cho đến khi nhà đầu tư thoái vốn. Bởi giá trị niềm tin chỉ được xây dựng khi hai bên hợp tác lâu dài, chắc chắn.

Ông Nguyễn Khắc Trí – PĐG BNC Group nhận định rằng, đối với các startup mới thành lập, nếu chưa có đủ tài chính để thuê luật sư tư vấn về pháp lý họ có thể tìm đến những người đi trước, là các nhà khởi nghiệp đã nhận được vốn đầu tư, giàu kinh nghiệm làm việc với các nhà đầu tư lớn trước đó.Với thách thức về việc nâng cao nhận thức kĩ năng về mời gọi vốn, các startup cần đủ tỉnh táo để chọn nhà đầu tư, tránh đưa bản thân vào thế bị động không có quyền quyết định chính sản phẩm của mình vì một startup chất lượng thật sự sẽ luôn có nhiều cơ hội ở phía trước.

-Theo Congthuong.vn-