- Lượt xem: 1311

Thorakao trước đây từng là thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam hàng đầu trong suốt nhiều thập kỷ, là niềm tự hào của người Việt. Nhưng đến nay, cái tên này chỉ còn trong ký ức những người tiêu dùng tuổi trung niên.

Thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam giờ đây khó mà tìm lại hào quang như quá khứ bởi mỹ phẩm ngoại nhập đã xâm chiếm phần lớn thị trường Việt Nam rồi.

Mỗi khi đi qua góc ngã tư Điện Biên Phủ – Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TP.HCM, ai cũng có thể thấy tòa nhà Thorakao cũ kỹ. Trước đây tòa nhà này là trụ sở của một thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam đình đám một thời. Thorakao là một trong số nhiều thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam thất thế trong cuộc đối đầu không cân sức với các ông lớn mỹ phẩm từ Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản,…

Cái sai của Thorakao ở đây chính là bảo thủ khi chỉ đầu tư cho nghiên cứu sản xuất mà bỏ bê các hoạt động quảng bá thương mại. Trong khi đó các thương hiệu mỹ phẩm ngoại làm mưa làm gió trên thị trường nội địa với những bao bì đẹp mắt, những chương trình khuyến mãi rầm rộ và các chương trình quảng cáo hoành tráng.

Câu chuyện về sự ra đời của thương hiệu Thorakao

Khi thị trường Việt Nam đang tràn ngập các loại mỹ phẩm đến từ Pháp, một người phụ nữ Việt đã tạo ra các loại kem dưỡng da làm từ nguyên liệu tự nhiên sẵn có trong nước, như trân châu, thạch cao… trong cơ sở chế biến hóa mỹ phẩm của mình. Bà là bà Lan Hảo, mẹ vợ ông Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch HĐQT Công ty Mỹ phẩm Thorakao.

Tuy nhiên, các sản phẩm Lan Hảo không được người tiêu dùng đón nhận vì mùi hương giống với vị thuốc bắc, thiết kế bao bì không bắt mắt so với các đối thủ từ Pháp. Vì thế, bà Lan Hảo đã dùng chính sách khôn ngoan đó là tạo ra nhu cầu tiêu dùng ảo. Bà nhờ con cháu ra các cửa hàng bách hóa tìm mua kem Lan Hảo. Điều này đã thôi thúc các chủ cửa hàng tìm mua kem về để bán. Từ đó, mỹ phẩm Lan Hảo dần khẳng định vị trí của mình và nhanh chóng nổi danh khắp Sài Gòn.

Năm 1961, Công ty Lan Hảo chính thức được thành lập với các dòng sản phẩm mang thương hiệu Thorakao. Logo của thương hiệu này là một nàng tiên nữ được vẽ cách điệu, thể hiện thông điệp khẳng định tác dụng đem lại làn da trắng mịn và trẻ đẹp như thần tiên. Thời bấy giờ, Thorakao có ít đối thủ, lại có chất lượng tốt và giá phải chăng. Các sản phẩm của Thorakao được người dân truyền miệng khắp nơi và sử dụng rộng rãi, trở thành thương hiệu mỹ phẩm có tiếng ở Sài thành.

Đến năm 1969, công ty đã mở 6 chi nhánh ở miền Nam và một chi nhánh ở Campuchia. Thorakao là thương hiệu mỹ phẩm số một trong nước và có tầm ảnh hưởng ở thị trường bán đảo Đông Dương. Thời đó, kem dưỡng da chiết xuất từ nghệ của Thorakao đã trở thành mặt hàng bán chạy nhất ở thị trường trong nước. Từ đó công ty xông xáo hơn và bắt đầu xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Là thương hiệu có nền tảng mạnh về nghiên cứu và chế tạo sản phẩm mới, ngay từ năm 1968, Thorakao đã đạt được bằng sáng chế đầu tiên của mình. Gia đình bà Lan Hảo, mẹ vợ ông Trân, có truyền thống làm mỹ phẩm lâu đời. Trong khi đó, gia đình ông Trân cũng có 6-7 đời theo ngành y học cổ truyền.

Đến đầu những năm 1990, khi đất nước mở cửa, các thương hiệu mỹ phẩm ngoại ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam. Nhờ có nguồn lực tài chính mạnh, kinh nghiệm làm thị trường lâu, bao bì bắt mắt, chiến lược marketing chuyên nghiệp, các thương hiệu mỹ phẩm ngoại có thể dễ dàng  đánh bật Thorakao ra khỏi các giá hàng mỹ phẩm.

Sản phẩm Thorakao buộc phải đem về bán tại các vùng nông thôn vì giá rẻ phù hợp với thu nhập của nông dân. Hãng cũng tìm đường sang nước ngoài theo đường đi của cộng đồng Việt kiều. Hiện nay, các sản phẩm của Thorakao được tiêu thụ tốt ở Lào, Campuchia và Trung Đông. Hãng đã đưa sản phẩm vào nhiều cửa hàng tại châu Âu, Mỹ, Canada, Australia… Có thể nói, ở đâu có người Việt Nam, ở đó có Thorakao.

Thorakao khi sản xuất mỹ phẩm đã tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có ở Việt Nam, Các nguyên liệu thường dùng là bạc hà, sả, hồi, nghệ, bồ kết, gừng, chanh, bưởi, dưa leo… Ngoài ra hãng còn dùng thêm nha đam, lô hội, cây chùm ngây, mủ trôm, bùn khoáng, ốc sên… Nhờ đó giúp giá thành giảm xuống, sản phẩm của Thorakao phù hợp với cơ địa người Việt hơn.

Trong thời gian tới, Thorakao cần tìm cho mình hướng đi mới trong kinh doanh và quảng bá để đưa thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam ra khỏi bóng tối, sẵn sàng cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài. Sản phẩm Việt có chất lượng cao, tại sao không dành cho người Việt?

Xem thêm: Những thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam tốt chẳng kém mỹ phẩm ngoại