Mặc dù được đánh giá rất cao về chất lượng, các thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Xem thêm:
=>Phần Mềm Quản Lý Bán Hàng – Công Cụ Bán hàng Tất Yếu 4.0
=>Tìm hiểu ngay mỹ phẩm Việt Nam tốt chẳng kém mỹ phẩm ngoại
=>Bí Quyết Seeding Facebook Giúp Bán Hàng Thành Công
Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các thương hiệu mỹ phẩm làm đẹp và mỹ phẩm nước ngoài phát triển. Theo số liệu được tổng hợp từ các ngành hàng mỹ phẩm tại Việt Nam, người Việt Nam, đặc biệt là người trẻ, rất quan tâm đến sức khỏe và sắc đẹp. Con số phát triển hàng năm của ngành mỹ phẩm tại Việt Nam lên đến 30%.
Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài
Mỹ phẩm Hàn Quốc đang chiếm thế thượng phong khi thâm nhập các thị trường trên thế giới. Tại Mỹ, Canada, các nước châu Âu như Pháp, Ý và các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc Quốc…, đều có thể bắt gặp vô vàn các thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc.
Trong vài năm trở lại đây, mỹ phẩm Hàn Quốc liên tiếp đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Các thương hiệu mỹ phẩm xứ củ sâm như The Face Shop, Ohui, Laneige… đều đã là những cái tên vô cùng quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Bên cạnh việc phát triển các cửa hàng trong trung tâm thương mại, các thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc đã mở rộng các cửa hàng mặt đất.
Chi nhánh của các hãng mỹ phẩm này trải dài ở cả ba miền, đặc biệt ở các thành phố. Người tiêu dùng trẻ Việt Nam đặc biệt yêu thích các thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc bởi các sản phẩm này có chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Đặc biệt, không thể phủ nhận mỹ phẩm Hàn Quốc có bao bì vô cùng đẹp mắt, phù hợp với sở thích của các bạn nữ tuổi teen và phụ nữ trẻ.
Về phân khúc cao cấp, các thương hiệu phương Tây như Lancome, Chanel, Dior…, các thương hiệu phương Đông như Shiseido, Shu Uemura, Laneige,… đã khẳng định vị trí vững chắc. Các hãng liên tục ra mắt các sản phẩm mới với bao bì ấn tượng. Đồng thời họ cũng tổ chức các chương trình tri ân khách hàng thân thiết.
Thật không khó để bạn bắt gặp các gian hàng của Vichy, La Roche Posay, Yves Rocher,… tổ chức soi da miễn phí, tư vấn chăm sóc da cho người tiêu dùng Việt Nam. Những sự kiện này lập tức đánh vào tâm lý thích đồ miễn phí của người Việt, lôi kéo sự chú ý của họ vào các thương hiệu này. Vậy nên người Việt có thể không biết tới nhiều thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam, nhưng mỹ phẩm ngoại họ rất rành!
Ví dụ điển hình là tại các siêu thị Co.opmart, Big C…, các trung tâm thương mại như Vincom, IPH, Tràng Tiền Plaza… mỗi năm các hãng mỹ phẩm ngoại đều tổ chức các ngày hội làm đẹp. Không chỉ giảm giá sản phẩm, khách hàng còn được tư vấn, chăm sóc da, được tặng quà và tham gia nhiều chương trình hoạt náo do các nhãn hiệu mỹ phẩm thực hiện.
Các nhà đầu tư quốc tế đã nhận định rằng Việt Nam là thị trường mới nổi và sẽ phát triển bùng nổ trong tương lai gần. GDP của Việt Nam tăng trưởng ổn định ở mức trên 6%/năm và người tiêu dùng Việt rất nhanh nhạy với các xu hướng làm đẹp trên thế giới.
Một điểm hấp dẫn nữa của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại đó là quy mô thị trường tiêu thụ lớn. Đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường Neilsen cho biết, tính đến năm 2017, dân số Việt Nam đã lên đến hơn 100 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới. Trong đó, khoảng 60% dân số đang ở trong độ tuổi dưới 35 tuổi.
Hơn nữa, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam tăng nhanh chóng trong thời gian qua, ước tính 53,5 triệu đồng/năm (tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016). Tính riêng kim ngạch xuất nhập khẩu mỹ phẩm trong nước đã tăng nhanh từ 3 tỷ USD năm 2016 lên 6 tỷ USD năm 2017. Tuy nhiên có tới 95% trong số đó là mỹ phẩm nước ngoài.
Việt Nam đã tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, khiến cho mức thuế nhập khẩu loại hàng hóa này được kéo xuống mức từ 0 – 5%. Nhờ đó mà thị trường mỹ phẩm Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết.
Chỗ đứng nào cho mỹ phẩm nội địa?
Trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài hướng về Việt Nam với nhiều dự án sản xuất và mở rộng hệ thống phân phối mỹ phẩm, các thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam, nhiều công ty mỹ phẩm nội địa lại đang rơi vào tình trạng bị thu hẹp đáng kể thị phần tiêu thụ.
Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mỹ phẩm Việt Nam 6 tỷ USD năm 2017, chỉ có 5% là thuộc về doanh nghiệp nội. Các nguyên liệu thiên nhiên như nghệ, mủ trôm, nha đam, dừa… được xem là nguyên liệu quý trong xu hướng mỹ phẩm organic lành mạnh đang phổ biến trên khắp thế giới.
Tuy nhiên các doanh nghiệp nội địa chỉ mới sản xuất nguyên liệu thô, không chiết xuất tinh chất để tạo ra dòng mỹ phẩm cao cấp. Chỉ có một số ít các thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam còn trụ được trên thị trường như Thorakao, Vedette… Nhưng đáng buồn là chỉ các khách hàng bình dân mới để ý tới các thương hiệu này. Vì thế mà mỹ phẩm Việt Nam chiếm vị trí hết sức khiêm tốn trong thị phần tiêu thụ nội địa.
Một điểm yếu lớn của doanh nghiệp trong nước là chưa sản xuất được trọn bộ sản phẩm. Hầu như các thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam chỉ có thể chuyên sản xuất về một loại sản phẩm như mặt nạ, chăm sóc da, dưỡng thể hay trang điểm. Các yếu điểm khác như quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ dây chuyền cũ kỹ, vốn đầu tư hạn chế của các doanh nghiệp nội cần phải khắc phục nhanh chóng trong thời gian ngắn tới.
Ngoài ra mặc dù chất lượng sản phẩm giữa mỹ phẩm Việt Nam và nước ngoài không có nhiều chênh lệch, nhưng bao bì không đẹp mắt đã khiến mỹ phẩm Việt Nam nhanh chóng bị khách hàng “ghẻ lạnh”. Cùng một sản phẩm kem dưỡng da, mỹ phẩm Hàn Quốc có các loại bao bì từ nhí nhảnh, dễ thương đến đơn giản, sang trọng. Điều này đã tạo ưu thế cho mỹ phẩm nước bạn chiếm thị phần lớn.
Các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam chắc hẳn điều hiểu rằng: Để có thể phát triển sản phẩm giá trị gia tăng cao phải có vốn mạnh. Thêm vào đó là dây chuyền công nghệ đủ hiện đại để chiết xuất tinh chất quý giá từ nguồn nguyên liệu thô để tạo ra dòng sản phẩm cao cấp. Bên cạnh đó tiềm lực tài chính đủ mạnh là yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam xây dựng và phát triển thương hiệu.
Một nguyên nhân dẫn tới việc thất thế của mỹ phẩm Việt Nam tại thị trường nội địa đó là sự thờ ơ của cơ quan chức năng. Hiệp hội tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan liên quan hỗ trợ thành lập trung tâm nghiên cứu, chế tạo sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên. Một trung tâm như vậy có thể tận dụng tối đa lợi thế nguyên liệu, dược liệu phong phú tại Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay, kiến nghị này vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Mặt khác, tình trạng mỹ phẩm giả, kém chất lượng và mỹ phẩm chứa hoá chất cấm bày bán tràn lan ra thị trường đang vô cùng nhức nhối. Bởi vì quy trình kiểm tra xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu mỹ phẩm tại Việt Nam còn nhiều tiêu cực.
Nhiều doanh nghiệp không có giấy phép cũng sản xuất mỹ phẩm, gây ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người tiêu dùng Việt. Hậu quả là các sản phẩm mỹ phẩm Việt Nam có uy tín, lành tính với làn da người tiêu dùng tại Việt Nam đã ít ỏi nay lại càng “khó sống” hơn.
Trong những năm tới, các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt cùng cơ quan chức năng cần có những bước tiến mới để đảm bảo thị phần của các thương hiệu mỹ phẩm nội địa.
Xem thêm: Làn sóng Hàn Quốc ảnh hưởng thế nào tới người tiêu dùng thế giới?