- Lượt xem: 1279
Chuyên mục: Bắt đầu kinh doanh

Trong kinh doanh, ngoài tên thương hiệu, thì một câu định hướng thương hiệu ( slogan ) thu hút và gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí người tiêu dùng cũng mang lại hiệu quả kinh doanh và sức lan tỏa thương hiệu cao. Khi những thương hiệu vừa và nhỏ không có nhiều ngân sách cho hoạt động marketing, một slogan hay là con đường ngắn nhất để mọi ngưới chú ý đến bạn. Slogan phải thể hiện được thông điệp sản phẩm, triết lý kinh doanh của nhà sáng lập, hoặc thể hiện sự khác biệt, nổi bật mà sản phẩm của công ty đang có. Dù là mục đích nào, thì việc sáng tạo ra một slogan phù hợp cũng tương đối khó nhằn. Bên cạnh đó, việc đánh giá một câu slogan chất lượng lại càng khó hơn.

Trên thực tế thì thường sẽ có 4 tiêu chí để có thể đánh giá một câu slogan chất lượng. Và đây sẽ là 4 tiêu chí không thể bỏ qua, giúp bạn nhìn nhận một câu slogan thích hợp và hiệu quả.

  1. Sự khác biệt

Chắc chắn rồi. Đây chính là mục đích đầu tiên mà một câu slogan nên đạt được. Nếu trong ngành bạn đã có những đối thủ cạnh tranh với vị thế và thị phần lớn, đã ghi được dấu ấn vào tâm trí khách hàng thì việc bạn nói điều tương tự sẽ là tốn công vô ích.

Maxxwell House – thương hiệu cà phê nổi tiếng của Mỹ với slogan “Good to the last drop” (Thơm ngon tới giọt cuối cùng) đã đóng đinh điểm khác biệt nổi trội nhất của sản phẩm là “thơm ngon” trong tâm trí khách hàng. Hay như thương hiệu sữa Vinamilk với câu khẩu hiệu “Vươn cao Việt Nam”, thể hiện sứ mệnh phát triển tầm vóc Việt mà thương hiệu này đang hướng tới.

Nếu thương hiệu của bạn nhạt nhòa trong vô vàn những thương hiệu trên thị trường thì đừng kỳ vọng khách hàng có thể nhớ và yêu sản phẩm của bạn.

  1. Liên tưởng tích cực

Mục đích tối thượng của slogan chính là chiếm trọn tâm trí và cảm tình của khách hàng, Vậy muốn làm được điều này thì trước hết phải khơi dậy được cho họ những cảm xúc tích cực.

Nếu sản phẩm của bạn là các loại phương tiện đi lại, hãy sáng tạo slogan khơi gợi ham muốn dịch chuyển, đam mê với tốc độ trong khách hàng, Chẳng hạn như “Sống để rong ruổi, rong ruổi để sống – Live to ride, ride to live” của hãng xe phân khối lớn Harley – Davidson.

Còn nếu sản phẩm của bạn là thực phẩm, hãy dùng những câu từ khơi gợi đến việc ăn uống, nội trợ, nấu nướng hoặc kích thích vị giác kiểu như “ngon từ thịt, ngọt từ xương” như cách mà Ajinomoto đã làm cho sản phẩm Ajingon của mình.

Ở Canada, kênh truyền hình Naked News (sự thật trần trụi) rất phổ biến. Điểm mạnh của kênh này là luôn đưa tin trung thực và khai thác triệt để đến cùng các nguồn tin mà họ có được. Câu slogan “Không có gì phải giấu” kết hợp cùng tên thương hiệu “Sự thật trần trụi” quả thật đã lột tả rất thành công điểm khác biệt thương hiệu này.

Đặc biệt lưu ý cần tránh những câu có thể gây hiểu lầm, hiểu sai, hoặc hiểu theo nghĩa tiêu cực.

  1. Nhận biết ngành nghề

Khi bắt đầu xây dựng một doanh nghiệp mới, hay lên ý tưởng cho những sản phẩm mới, hoặc các sản phẩm của bạn không mới những chưa thực sự phổ biến thì slogan của bạn phải có tính định hướng ngành nghề trong đó. Chắc chắn khách hàng sẽ muốn biết bạn kinh doanh sản phẩm gì trước khi tìm hiểu sản phẩm đó có gì đặc biệt, nổi trội.

Tôm Bắc Cực là sản phẩm mới tại thị trường Việt Nam. Bản thân tên thương hiệu chưa đủ để khách hàng hiểu đây là sản phẩm gì. Vì vậy khi Richard Moore Associates tư vấn và phát triển slogan cho Tôm Bắc Cực, chúng tôi đã xác định cần thể hiện rõ định danh ngành nghề của sản phẩm là “tôm nước lạnh” với slogan “Tôm nước lạnh đầu tiên tại Việt Nam” để khách hàng phân biệt với tôm nước ngọt, tôm nước lợ hay tôm nước mặn…

Tương tự, nếu doanh nghiệp của bạn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, có thể dùng những từ ngữ liên quan đến ngành như “xây dựng”, “kiến thiết”… để thể hiện ngành nghề của mình.

  1. Dễ ghi nhớ

Những câu slogan ngày một nhiều và khiến khách hàng bị bội thực thông tin.

vì vậy muốn đóng đinh trong tâm trí khách hàng thì slogan đừng quá dài. Con đường ngắn nhất và nhanh nhất để đóng đinh một từ vào tâm trí khách hàng là dùng từ đơn giản, phổ biến, dễ hiểu đến mức ai cũng có thể hiểu được. Ngoài ra, từ ngữ phức tạp sẽ gây khó hiểu, khó nhớ vì vậy hãy ưu tiên dùng từ phổ biến.

Đa số ý kiến đều nghĩ rằng một slogan ngắn bao giờ cũng có nhiều lợi thế hơn dài. Dĩ nhiên ngắn bao giờ cũng dễ nhớ ngay lúc đọc. Nhưng một slogan ngắn không có nghĩa là là được nhớ lâu, và quan trọng hơn, nó không đảm bảo là sẽ được yêu thích.

Ai cũng biết và rất yêu thích câu slogan “Vị ngon trên từng ngón tay” của thương hiệu đồ ăn nhanh KFC. Sau gần 50 năm sử dụng, năm 2011 nó đã được đổi thành “So good” (“Thật tốt”?). Cho dù có KFC có lý giải ý nghĩa gì đi chăng nữa, câu slogan mới của họ thật khó đi vào lòng người bằng câu cũ. Cho dù “Thật tốt” rất ngắn, ngắn hơn rất nhiều so với “Vị ngon trên đầu ngón tay”.

Một slogan hiệu quả không nằm ở vấn đề ngắn hay dài. Quan trọng là nó phải thể hiện một thông điệp có ý nghĩa như thế nào với người nghe.

 


Chia sẻ: