Nhắc đến thời trang, ngành công nghiệp nghệ thuật làm mê đắm hàng triệu, hàng triệu con tim trên thế giới, không thể không nói đến Calvin Richard Klein, người đã tạo dựng nên thương hiệu thời trang nổi tiếng Calvin Klein. Tất cả các dòng sản phẩm của Calvin Klein đều mang vẻ đẹp bất chấp với thời gian với nguyên lý “đơn giản như có thể được, độc đáo như có thể được”. Dù đã không còn đảm nhiệm là CEO nhưng Calvin Klein chắc chắn sẽ tồn tại mãi mãi cùng thương hiệu đình đám này.
Khởi nghiệp
Cha Klein có một cửa hàng tạp hóa và Calvin hay ở đó giúp ông bán hàng. Không bao giờ chơi thể thao với bọn trẻ hàng xóm, sở thích của cậu khá lạ đời: ở nhà tự học cách tạo mẫu và may vá. Niềm yêu thích tiếp theo của cậu là đi mua sắm quần áo giảm giá cùng mẹ. Vì thế, cậu có rất ít bạn.
Tuy nhiên, cậu không cô đơn, bởi cậu có một tình yêu đặc biệt với thời trang. Rất rõ ràng với mục tiêu của mình, khi chỉ mới 20 tuổi, Klein đã tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Thời trang ở New York. Hai năm sau đó, năm 1964, Klein cưới người vợ đầu tiên – cô bạn học Jayne Centre, và khởi nghiệp tại quận thời trang New York.
Sau một thời gian làm việc cho một nhà tạo mẫu váy, Klein chuyển sang tạo mẫu áo khoác châu Âu với tiền lương 75 đôla/tuần. Thời điểm đó, những nhà tạo mẫu lớn của Mỹ chỉ đơn giản bắt chước các mẫu của châu Âu.
Kinh nghiệm trong những năm đầu làm việc đã cho Klein một cái nhìn xuyên suốt về ngành kinh doanh thời trang và giúp Klein rèn luyện những kỹ năng đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, việc chỉ sao chép những mẫu thiết kế khiến cho Klein cảm thấy chán nản.
Khi 26 tuổi, Klein bỏ học việc và quyết định mở công ty riêng.
Chiếm lĩnh thị trường Mỹ: Calvin kẻ chinh phục
Với 2.000 đô la dành dụm được và 10.000 đô la vay từ người bạn Barry Schwartz, Klein đã thành lập công ty Calvin Klein Ltd. Schwartz trở thành đối tác của Klein và cả hai bắt đầu tham gia vào trò chơi đầy biến ảo của ngành thời trang.
Tập trung đầu tiên của Klein là vào dòng áo khoác. Ông tạo ra những mẫu thiết kế riêng, sử dụng những kỹ năng học được từ công việc trước. Sau một năm, mọi chuyện chuyển biến bất ngờ. Một doanh nhân đi nhầm cầu thang máy và tình cờ dừng bước trước văn phòng của Klein. Đây chính là doanh nhân chuyên thu mua áo khoác cho cửa hàng Bonwit Teller. Sau khi đặt lô hàng trị giá tới 50.000 đôla, ông ta đã nói: “Ngày mai, mọi người sẽ biết đến cậu”.
Chỉ tính riêng trong năm đó, doanh số của công ty đã đạt tới 1 triệu đôla.
Tạo được ấn tượng rồi, nhưng Klein chưa dừng lại ở đó. Năm 1973, ông thiết kế ra dòng quần áo thể thao đầu tiên và ngay lập tức trở thành tay chơi chính trong ngành công nghiệp thời trang. Bộ sưu tập của ông bắt đầu nổi tiếng với tên gọi “Phong cách Calvin Klein”. Trong ba năm liên tiếp kể từ năm 1973, Klein được trao tặng giải thưởng Coty – giải thưởng danh giá nhất trong ngành thời trang.
Những mẫu thời trang và quảng cáo gây sốc
Từ bỏ những mẫu thiết kế cổ điển và không có nhiều cá tính, Klein đã làm một cuộc cách mạng với một phong cách đơn giản và sang trọng. Cuối thập kỷ 1970, Klein tung ra một khái niệm thời trang hoàn toàn mới: thiết kế đồ jeans với mức giá phải chăng. Năm 1980, ông khởi động chiến dịch marketing rầm rộ cho bộ sưu tập đồ jeans bó của mình. Với người mẫu 15 tuổi Brooke Shields trong một tư thế thách thức đầy gợi cảm và nói “Không có gì ở giữa tôi và quần áo hiệu Calvin”, Klein đã bán được 200.000 chiếc quần jeans chỉ trong tuần đầu tiên.
Năm 1982 khi ông giới thiệu dòng quần lót nam với chiến dịch quảng cáo đầy mạo hiểm: những người mẫu nam chỉ mặc độc có chiếc quần lót mang nhãn hiệu Calvin Klein. Nó đã làm đảo ngược quan điểm xưa nay về đồ lót nam: không chỉ là một sản phẩm để dùng, nó còn là một biểu tượng thương hiệu. Một lần nữa, những người đàn ông chọn đồ lót CK hy vọng rằng họ có thể gợi cảm giống như những người mẫu quảng cáo khi mặc đồ lót này.
Một thiên tài marketing, một phù thủy trong lĩnh vực thiết kế thời trang, một người biết cách tạo ra hình ảnh cho sản phẩm và cho chính bản thân mình, Calvin Klein chính là biểu tượng cho tinh hoa thời trang của nước Mỹ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này.