Bạn mở cửa hàng tạp hóa thì nên thể hiện mình đúng chuẩn “tạp hóa”. Nghĩa là phải có thật nhiều sản phẩm, đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Điều này sẽ khiến khách hàng cảm thấy tiệm của bạn có thể có mọi thứ mà họ cần. Tuy nhiên không phải cứ nhập được bao nhiêu hàng thì bày lên kệ bấy nhiêu. Phải chọn lọc để sao cho mang lại hiệu quả thị giác cao nhất cho khách hàng.
Xem thêm:
Để kinh doanh cửa hàng tạp hóa thành công, cần chú trọng đến nơi lấy nguồn hàng
Các mặt hàng cần có trong cửa hàng tạp hóa
Hướng dẫn các bước mở cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini
1. Phân loại hàng hóa phù hợp
Bạn hãy thử quan sát cách trưng bày hàng hóa trong siêu thị, họ sẽ chia hàng hóa ra thành hai nhóm chính là thực phẩm và phi thực phẩm (Foods và Non-Foods). Nhóm Foods sẽ được chia nhỏ thành hàng tươi sống, đông lạnh hay tiêu dùng nhanh.
Nếu mở cửa hàng tạp hóa thì bạn sẽ thấy phần đa hàng hóa đều thuộc nhóm thực phẩm tiêu dùng nhanh. Nhóm này lại được chia thành hai nhóm nhỏ là thực phẩm ngọt và mặn, bạn hãy xếp riêng mối loại thành khu riêng nhau. Thực phẩm mặn bao gồm gia vị như bột ngọt, nước mắm, tương…, còn thực phẩm ngọt thì gồm sữa, bánh kẹo,…Còn lại những mặt hàng nước rửa bát, bột giặt,… xếp vào khu hóa mỹ phẩm.
2. Hiển thị đúng giá, đúng sản phẩm
Điều này cực quan trọng, vì khách hàng sẽ đánh giá bạn có là người bán trung thực và chuyên nghiệp hay không. Rất nhiều cửa hàng thường chỉ bán hàng theo trí nhớ. Hoặc có niêm yết nhưng lại không chính xác khiến khách cảm thấy không hài lòng. Việc nhớ hay nhầm lẫn vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu lặp lại nhiều lần thì uy tín của bạn sẽ bị giảm sút.
Mẹo để không mắc phải sự cố này là hàng ngày bạn nên kiểm tra bảng giá ít nhất một lần. Nếu có điều kiện thì đừng ngại đầu tư mua phần mềm quản lý bán hàng để giảm thiếu tối đa những sai sót không đáng có.
3. Chú trọng sự phong phú của hàng hóa
Nếu mặt hàng của bạn quá ít, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì họ sẽ chẳng bao giờ muốn quay lại cửa hàng bạn lần thứ hai. Hãy nhớ, dù số lượng bạn nhập về không nhiều nhưng chủng loại phải đa dạng. Thêm cách trưng bày bắt mắt nữa thì sẽ hút khách gấp nhiều lần so với ít loại hàng nhưng số lượng nhiều. Những mặt hàng nào số lượng ít, bạn hãy đặt lên trên các kệ hàng nông hoặc thùng carton để khách dễ nhìn thấy.
Các cửa hàng tạp hóa vẫn luôn nhận được sự ủng hộ nhiều hơn siêu thị lớn bởi sự tiện lợi và hàng hóa phong phú. Phần lớn các tiệm tạp hóa đều nằm trong khu dân cư không quá xa để mua hàng, mua được thanh toán ngay nên người dân vẫn thích tới đây hơn. Còn các siêu thị lớn thường nằm ở trung tâm thành phố. Người dân chỉ đi khi 1 tuần hoặc 1 tháng/lần kết hợp đi chơi và mua sắm.
4. Chú ý đến hạn sử dụng của sản phẩm
Trong kinh doanh tạp hóa hóa một trong những điều cấm kỵ bạn tuyệt đối cần nhớ là không bao giờ bán những mặt hàng đã hết hạn sử dụng. Đó là nguyên tắc để khách hàng có thể tin tưởng bạn tuyệt đối.
Đôi khi nó không phải là sự chủ quan của bạn. Mà là do kỹ năng quản lý hạn sử dụng của các mặt hàng tạp hóa không được chuyên nghiệp. Đây là yếu tố sống còn nên bắt buộc cần có sự kiểm tra hạn sử dụng các mặt hàng một cách nghiêm ngặt và liên tục nhất là với những mặt hàng tươi, ăn nhanh như bánh mì tươi…, nhằm đảm bảo những sản phẩm hết hạn sử dụng đã được loại bỏ.
Nếu nhìn vào cách trưng bày hàng tạp hóa của các siêu thị mini chuyên nghiệp như Vinmart, Tmart, BigC… bạn sẽ thấy thường những sản phẩm sắp hết hạn sẽ được dán nhãn khuyến mãi rất nổi bật. Với các hình thức như mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1 … nhằm kích cầu người mua trước khi sản phẩm quá hạn.
5. Mỗi gian hàng tạp hóa trưng bày cần đi kèm biển tên
Với mỗi gian hàng hóa khác nhau, khi chúng đã được phân loại bạn cần để biển tên để khách hàng biết và tím đến và chọn những mặt hàng cần mua. Ví dụ với gian hàng mỹ phẩm, gian hàng mẹ và bé, gian hàng đồ gia dụng hay gian hàng đồ lưu niệm, dụng cụ học tập…Bên cạnh đó việc đề biển tên theo từng gian hàng cũng giúp cho việc bán hàng của bạn trở nên dễ dàng hơn.
6. Sắp xếp hàng trên kệ theo nguyên tắc nhập trước – xuất trước
Trong quá trình bán hàng không phải cứ hết sạch mới nhập thêm. Đa phần chủ tiệm đều nhập mới khi số lượng tồn kho dưới định mức đã thiết lập từ trước. Khi đó bạn cần bày hàng lên kệ theo nguyên tắc nhập trước thì xuất trước. Nghĩa là hàng cũ còn hạn sử dụng ngắn hơn thì đặt phía ngoài, hàng mới để ở bên trong. Như vậy sẽ đảm bảo không bị tồn lại hàng cận “đát”.
7. Các mặt hàng tạp hóa thiết yếu nên trưng bày ở vị trí dễ thấy, dễ lấy
Khác với cách trưng bày hàng hóa ở siêu thị lớn, đối với tiệm tạp hóa thì bạn nên đặt những sản phẩm thiết yếu như hàng tiêu dùng ở vị trí bắt mắt, dễ nhìn thấy. Vì diện tích của cửa hàng tạp hóa khá nhỏ, thông thường khách đến mua sẽ đứng ở ngoài gọi đồ nên cách sắp xếp sản phẩm như thế dễ thu hút được sự chú ý của họ. Khách sẽ mua hàng nhanh chóng, tăng doanh thu đáng kế.
8. Trưng bày các sản phẩm liên quan ở cạnh nhau
Các sản phẩm liên quan như dầu gội với dầu xả, dao cạo với bọt cạo râu, tất và găng tay…nên được đặt ở những nơi gần nhau. Như vậy sẽ kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng hơn. Ngoài ra bạn có thể đặt chung những mặt hàng đang khuyến mãi vào một kệ. Đây cũng là cách tăng doanh số bán hàng hiệu quả.
Thông thường những thương hiệu lớn sẽ phát triển nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Ví dụ Coca Cola có nước khoáng Dasani, nước trái cây Minute Maid, Splash, nước tăng lực Samurai…Bạn có thể đặt những sản phẩm này cạnh nhau, phân biệt với sản phẩm của thương hiệu khác. Hoặc bạn nhóm hàng hóa theo một đặc tính, tính năng nào đó. Ví dụ kệ chuyên để dầu gội đầu, kệ để dầu xả, kệ để sữa tắm…Như vậy khách hàng sẽ dễ dàng hơn khi tìm kiếm và so sánh sản phẩm của các thương hiệu với nhau.
9. Các mặt hàng giá trị nhỏ để ở quầy thanh toán
Quầy thanh toán là nơi khách hàng dừng lại lâu nhất. Trong lúc đợi bạn lấy đồ họ sẽ có “cơ hội” được ngắm nhìn những vật xung quanh. Hãy tận dụng điều đó bằng cách bày các mặt hàng giá trị nhỏ ở quầy: kẹo cao su, sữa, thuốc lá, bánh mì ngọt…để thu hút người mua. Ngoài ra bạn có thể dùng những sản phẩm đó để trả khách thay cho tiền thừa khi hết tiền lẻ.